Những nét văn hóa đặc trưng của người Nhật hiện nay được hình thành dựa trên nền tảng văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc kết hợp với yếu tố hiện đại theo kịp sự phát triển của Thế giới.

Bản sắc Văn hóa riêng biệt của người Nhật
Nhật Bản được bao quanh bởi biển đảo, chưa từng chịu cuộc chiến tranh xâm lược nào trong lịch sử nên xã hội có sự thống nhất về Văn hóa.
Bên cạnh đó Đất nước Nhật không nhận được sự ưu đãi của thiên nhiên. Mặt khác lại phải hứng chịu rất nhiều điều kiện thiên tai khắc nghiệt như động đất, sóng thần…
Điều đó đã hình thành nên một Dân tộc Nhật với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, chấp nhận hy sinh vượt lên mọi thử thách trong cuộc sống.
Văn hóa của Nhật Bản rất ít bị pha trộn với các nền Văn hóa khác, mặc dù nền Kinh tế đứng trong Top đầu Thế giới nhưng những nét truyền thống của Dân tộc vẫn được giữ lại gần như nguyên vẹn.
Bản sắc Văn hóa Nhật còn được thể hiện một cách rõ nét thông qua các lễ hội truyền thống như lễ mừng năm mới, lễ hội ngắm hoa, lễ cầu an… Cho dù nền Kinh tế không ngừng hiện đại hóa và phát triển hơn, thì các giá trị văn hóa xưa cũ vẫn được giữ gìn.
-
Văn hóa Trà đạo

Trà đạo được xem là biểu tượng tâm hồn của người Nhật, chứa đựng vẻ đẹp tinh thần của con người xứ sở Phù Tang.
Từ uống trà đơn thuần cho đến Trà đạo là cả một quá trình không ngừng nghỉ của người Nhật để biến tục uống trà du nhập từ nước ngoài vào trở thành một nghệ thuật thuộc về Dân tộc mình.
Tinh thần của Trà đạo được thể hiện qua bốn yếu tố: HÒA – KÍNH – THANH – TỊNH. Trong đó:
- Hòa có nghĩa là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên vạn vật, giữa người pha trà với dụng cụ pha trà.
- Kính là sự tôn trọng, kính trọng đối với người khác, thái độ tri ân, biết ơn đối với cuộc sống.
- Thanh là sự thanh thản, yên tĩnh, thanh tịnh trong lòng người
- Tịnh là sự vắng lặng, an yên trong tâm hồn
Các nguyên tắc pha trà và dùng trà khá phức tạp, để thực hiện một buổi thưởng trà thành công mất rất nhiều thời gian cũng như công sức: Từ công đoạn chọn nước pha trà, đến dụng cụ để pha, cách pha và cách uống trà.
Người Nhật quan niệm rằng việc thưởng thức Trà đạo giúp họ phát triển giá trị tinh thần của bản thân mỗi người, do vậy uống trà rất quan trọng. Trà đạo phải được thực hiện theo đúng nghi lễ truyền thống và tổ chức tại căn phòng riêng biệt trong một khu vườn (phòng Chaniwa).
-
Kimono – Trang phục truyền thống Nhật Bản

Kimono là Quốc phục của Nhật Bản, đây là kiểu áo choàng với ống tay rộng, vắt chéo trước ngực từ phải qua trái và thắt eo lại.
Kimono dành cho cả nam và nữ, đối với nữ họa tiết áo sẽ là hoa lá, biểu tượng thiên nhiên, nhiều màu sắc và hình ảnh. Đối với nam thường không có hoa văn, màu sắc chủ đạo là màu đen, gam màu tối, có in gia huy dòng họ.
Ngày nay Kimono được mặc phổ biến, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết, đám cưới truyền thống của người Nhật.
Kimono có nhiều loại khác nhau: Furisode, Yukata, Houmongi, Tomesode, Mofuku, Shiromaku, Tsumugi, Tsukesage. Mỗi loại lại có đặc điểm khác nhau về hoa văn, kiểu dáng, màu sắc cũng như đối tượng mặc và thời điểm mặc.
Hình ảnh Kimono của Nhật Bản thực sự đã ghi lại ấn tượng sâu sắc với tất cả du khách Quốc tế về cả nét đẹp lẫn sự độc đáo.
-
Tinh thần thượng võ Samurai

Trong số những nét văn hóa đặc trưng của người Nhật không thể không nhắc tới Samurai cùng tinh thần Võ sĩ đạo đáng khâm phục.
Con người Nhật Bản rèn luyện cho mình một ý chí kiên cường, nghị lực trong cuộc sống, trong công việc giống như những Samurai trong lịch sử vậy. Nhờ vào nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ mà Nhật Bản đã vượt qua mọi khó khăn về thiên tai khắc nghiệt để phát triển Kinh tế, Văn hóa, Xã hội.
Các đức tính của Võ sĩ đạo luôn tuân thủ cũng chính là những đức tính mà người Nhật luôn hướng tới: Chính trực, can đảm, nhân từ, trung thành và trọng danh dự.
Trên nền tảng văn hóa truyền thống Samurai, người Nhật luôn bình tĩnh trước mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống, cho dù là cái chết. Tinh thần Võ sĩ đạo coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, cái chết không đáng sợ, mà chết trong vinh quang hay ô nhục mới là điều quan trọng nhất. Một cái chết có ý nghĩa sẽ tốt hơn sống một cuộc đời vô nghĩa.
-
Thần đạo Shinto

Shinto được biết đến là đạo gốc, là Tôn giáo bản địa của người Nhật – còn có tên gọi khác là Thần đạo.
Thần đạo có nghĩa là con đường của Thần, ý chỉ các linh hồn hay những vị thần tiên hiện diện khắp nơi trong đời sống, quan niệm này bắt nguồn từ niềm tin vạn vật hữu linh của người Nhật cổ.
Thần đạo được hình thành trên cơ sở kết hợp những tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng các vị Thần (Kami). Kami bao gồm tất cả những linh hồn trong thiên nhiên như mặt trời, mặt trăng, gió, sông, đá, cây… và hồn người chết như Tổ tiên gia đình, Tổ tiên Nhật hoàng…
Lễ hội lớn nhất của Thần đạo là lễ hội mùa Matsuri tổ chức vào dịp Tết và các vụ lúa mùa hạ. Trong lễ hội, người dân làm lễ cúng Thần, sau đó đánh trống, nhảy múa và uống rượu Sake.
Hiện nay tại Nhật có khoảng hơn 100 triệu người theo Thần đạo, có khoảng 9 vạn Đền thờ trải khắp Đất nước. Thần đạo thực sự là một tôn giáo quan trọng nhất ở xứ sở hoa anh đào.
-
Danshari – Lối sống tối giản của người Nhật

Danshari được định nghĩa là lối sống tự do, không bị ràng buộc bởi vật chất, giải thoát bản thân ra khỏi các áp lực hữu hình.
Nhật Bản là Quốc gia thường xuyên phải hứng chịu các thảm họa thiên nhiên, đây là nguyên nhân chính để hình thành nên cách sống Danshari.
Danshari bao gồm 3 ký tự: Dan – từ chối, Sha – vứt bỏ, Ri – tránh xa ⇒ Người Nhật không đưa thêm những thứ không cần thiết vài trong cuộc sống của mình. Thoát khỏi ám ảnh về vật chất bằng cách vứt bỏ tất cả những thứ không cần trong thời điểm hiện tại và tập trung vào đón nhận bình an, tự do trong cuộc sống.
Lối sống Danshari của người Nhật đang dần trở nên phổ biến trên toàn Thế giới, với ý nghĩa lớn lao tạo ra không gian làm việc thoải mái hơn, thuận tiện hơn mà vẫn tiện nghi và gọn gàng.
-
Văn hóa giao tiếp đậm chất Nhật Bản

Người Nhật trong văn hóa giao tiếp truyền thống có những quy tắc và lễ nghi riêng mà tất cả mọi người đều phải tuân thủ. Tùy thuộc vào địa vị xã hội, vai vế của từng người trong các mối quan hệ mà có sự thay đổi trong giao tiếp.
Một điểm nổi bật trong văn hóa giao tiếp của Nhật đó là nghi thức cúi chào và trao danh thiếp. Người Nhật dùng 3 kiểu cúi chào sau:
- Kiểu Saikeirei: Cúi xuống từ từ và rất thấp (45 đến 60 độ) biểu hiện sự kính trọng sâu sắc. Thường dùng trước các ban thờ Tổ tiên, bàn thờ trong đền Thần đạo, chùa chiền, trước Quốc kỳ và trước mặt các Thiên hoàng.
- Kiểu Keirei: Cúi chào bình thường, với độ cúi từ 30 đến 35, dùng để chào hỏi với cấp trên, người lớn tuổi hơn mình.
- Kiểu Eshaku: Cúi người khoảng 15 độ, kiểu này dùng cho chào hỏi những người cùng tầng lớp, cùng địa vị xã hội, bạn bè.
Trong quá trình trao và nhận danh thiếp từ người khác cũng phải tuân thủ theo các quy tắc nhất định. Và đặc biệt phải thể hiện rõ thái độ tôn trọng của bản thân qua cách cúi gập người, đưa cả hai tay ra nhận/ trao danh thiếp.
Trên đây mới chỉ là những nét văn hóa đặc trưng nhất của người Nhật, ngoài ra Đất nước Nhật Bản còn rất nhiều điều thú vị và đáng học hỏi. Hãy cùng SOFL tiếp tục khám phá trong những bài viết sau nhé.