Bạn phải lưu ý những điều cần biết nào trước khi du học Nhật Bản để tránh các sai lầm đáng tiếc và có được một trải nghiệm học tập thú vị hơn? Hãy cùng trung tâm Nhật ngữ SOFL tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Người Nhật tuyệt đối đúng giờ

Thói quen đúng giờ đã trở thành nền tảng văn hóa của người Nhật. Nếu sự kiện bắt đầu lúc 9h, người Nhật luôn có mặt tại đó lúc 8h45, hoặc ít nhất là trước 5 phút.
Bạn thường bắt gặp hình ảnh những người Nhật đi trên đường một cách vội vã để đến bến tàu kế tiếp, đến nơi làm việc, đến các cuộc hẹn.
Việc đi muộn là điều tuyệt đối không được chấp nhận ở Nhật Bản, nếu bạn vẫn đang quen với “giờ cao su” và mang nó theo khi du học Nhật bạn chắc chắn sẽ nhận những đánh giá không tốt về tác phong, con người của bạn.
Nếu bạn đi làm thêm trong thời gian học tập nhưng lại tới nơi làm muộn hơn so với giờ bắt đầu, thì chỉ cần tới lần thứ 2 thôi, bạn có khả năng không giữ được công việc ấy nữa.
Sự đúng giờ của người Nhật thể hiện ở tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực, công việc. Giống như giờ chuyển bánh của các chuyến tàu điện Nhật vậy, luôn luôn chính xác đến từng phút.
Nhật Bản nổi tiếng với sự sạch sẽ

Khi tới đây bạn sẽ bị ấn tượng bởi sự sạch sẽ lên tới mức cao nhất của Nhật Bản. Nhà cửa, đường phố, con người đều toát lên được vẻ gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh.
Người Nhật cực kì ít xả rác ra những nơi công cộng, thậm chí ngay cả có thùng rác, họ cũng giữ một thói quen là “mang rác về nhà”. Vậy nên khi ở Nhật các bạn cũng không nên vứt rác trong mọi trường hợp nhé.
Tàu điện là phương tiện đi làm chủ yếu

Có đến hơn 70% người đi làm bằng tàu điện, Nhật Bản chính là một trong số các Quốc gia sử dụng phương tiện công cộng hàng ngày đứng đầu thế giới. Trung bình một ngày người Nhật sẽ dành 1 đến 3 giờ ngồi trên tàu để đi học và đi làm.
Tàu điện tại Nhật luôn chính xác đến từng phút, những khoang tàu sạch sẽ, nhân viên thân thiện và chu đáo. Một khi lên tàu, người Nhật rất tôn trọng nhau, họ gần như giữ im lặng tuyệt đối, có người đọc sách, có người nghe nhạc qua tai nghe cá nhân, và có những người làm việc với máy tính xách tay trên tàu để tiết kiệm thời gian.
Luôn sẵn sàng tháo giày và mang lại giày

Khi bước vào không gian riêng của một người khác các bạn luôn phải bỏ giày ở ngoài để thay dép đi trong nhà. Phía sảnh ngoài sẽ có giá đề giày dép, các bạn hãy xếp giày của mình lên đó, hoặc nếu không thì cũng phải để thật ngay ngắn, gọn gàng nhé.
Người Nhật cũng rất cẩn thận và suy nghĩ cho người khác nữa, sau khi bạn bước vào, người chủ nhà còn lặng lẽ quay lại giày cho bạn, sao cho đầu của chiếc giày hướng ra ngoài, để bạn có thể mang giày một cách dễ dàng hơn lúc về.
Trong hệ thống giáo dục Nhật Bản, ngay từ bậc mầm non, trẻ em đã được dạy phải thay giày khác trước khi bước vào lớp học, và thay lại giày đi bên ngoài sau khi buổi học kết thúc.
Người Nhật luôn bận rộn

Người Nhật tập trung tối đa cho công việc, không ưu tiên thời gian để giải trí giống như các nước phương Tây.
Trong văn hóa doanh nghiệp, họ thường làm thêm giờ, thường không về trước Giám đốc, Trưởng phòng, đồng nghiệp. Thậm chí ngay cả đã hết việc làm họ cũng cố nán lại thêm vì cho rằng bản thân ra về trong khi người khác còn làm việc là rất thất lễ.
Vào buổi tối, sau bữa ăn cơm, người lớn tiếp tục làm việc tại nhà, trẻ em thì học bài. Chỉ vào cuối tuần họ mới cho phép bản thân có chút thời gian rảnh rỗi đề xem phim hay đi công viên…
Đăng ký chống mất cắp cho xe đạp

Khi mua xe đạp ở Nhật, cửa hàng sẽ làm Đăng ký chống mất cắp 防犯登録 bouhan touroku với giá 500 yên cho bạn. Sau đó xe của bạn sẽ được dán một mã số với thông tin mà bạn đăng ký.
Nếu bạn mất xe, cảnh sát sẽ dễ dàng giúp bạn tìm kiếm và xác nhận thông qua đăng ký xe của bạn.
Xe đạp có thể dựng ở siêu thị, cửa hàng trừ những chỗ cấm để xe ra. Khi bạn để xe sai chỗ, một giấy báo sẽ được gửi về địa chỉ đăng ký của bạn, bạn tới địa chỉ giữ xe, mang theo giấy tờ tùy thân, nộp phạt 3000 yên rồi mang xe trở về.
Hạn chế chạm vào người khác

Người Nhật cực kì tôn trọng người khác, khi đi trên đường họ luôn giữ một khoảng cách nhất định với người đi trước. Lúc xếp hàng cũng đứng đủ để di chuyển dễ dàng, không chen lấn xô đẩy.
Ngay cả trong các nhà hàng, siêu thị, khi nhận và trả tiền cũng dùng một khay riêng, để tránh chạm trực tiếp vào cơ thể người khác.
Văn hóa cúi chào

Thay vì bắt tay, Nhật Bản thể hiện thái độ làm quen, sự khiêm nhường của bản thân thông qua hành động cúi chào. Tùy thuộc vào địa vị xã hội hay vai vế trong gia đình mà có các quy định khác nhau về cúi chào.
Kiểu Eshaku 会釈 cúi chào khoảng 15 độ. Dùng để chào những người cùng độ tuổi, cùng tầng lớp, cùng địa vị xã hội mang sắc thái thân mật, nhẹ nhàng.
Kiểu Keirei 敬礼 cúi chào 30 đến 35 độ trong vòng 3 giây. Thể hiện sự trang trọng ở mức độ cao hơn so với Eshaku, dùng để chào hỏi với cấp trên hoặc người lớn tuổi hơn mình.
Kiểu Saikeirei 最敬礼 cúi chào 45 đến 60 độ trong vòng 3 giây. Đây là kiểu chào thể hiện sự tôn trọng cao nhất với người đối diện. Cách chào thể hiện lòng biết ơn và kính trọng tới Thần, Phật,…
Còn có rất nhiều thú vị khác nữa về những điều chắc chắn cần biết trước khi du học Nhật Bản, các bạn hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của Nhật ngữ SOFL nhé.